Tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống qua thương mại điện tử

10/03/2025 10:53

Hà Linh

Phát triển thương mại điện tử tại các làng nghề là xu hướng tất yếu, giúp sản phẩm làng nghề có thêm "cánh tay" nối dài đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó nâng cao thu nhập, sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề.

Hà Nam là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm mang đậm văn hóa đặc trưng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, những năm qua, các làng nghề truyền thống đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quan tâm xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử nhằm quảng bá, mở rộng kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến.

Ngày làm việc của anh Nguyễn Hải Hà, Công ty TNHH HaNa Food, huyện Lý Nhân, thường bắt đầu bằng việc vào website công ty để kiểm tra và tổng hợp các đơn hàng mà khách hàng đã đặt. Là nhà phân phối chính thức các sản phẩm bánh đa nem Làng Chều, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, thời gian qua, Công ty TNHH HaNa Food của anh Hà đã xây dựng 6 website, một fanpage và tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời phát triển ứng dụng bán hàng riêng nhằm quảng bá và mở rộng thị trường kinh doanh cho các sản phẩm của làng nghề.

Anh Nguyễn Hải Hà – Công ty TNHH HaNa Food, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

“Thứ nhất, nó giúp tiếp cận khách hàng nhanh hơn, rút ngắn thời gian quản lý và tiết kiệm nhân lực. Thứ hai, việc quản lý chi phí tài chính trở nên đơn giản và hiệu quả hơn so với phương thức kinh doanh truyền thống. Khi chuyển sang thương mại điện tử, toàn bộ quá trình mua bán, thanh toán và giao dịch đều diễn ra trên không gian mạng, từ máy tính đến điện thoại di động, đảm bảo an toàn và tiện lợi hơn rất nhiều.”

Việc kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đã mang lại lợi nhuận và sức sống mới cho người dân tại làng nghề lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên. Nhờ chuyển hướng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và thực hiện livestream bán hàng, doanh thu của nhiều hộ sản xuất trong làng nghề đã tăng từ 20% đến 30%. Đặc biệt, thông qua các phiên livestream, nhiều khách hàng từ các tỉnh miền Trung, miền Nam, thậm chí từ nước ngoài, đã đặt hàng.

Chị Đào Thị Liên – Thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

“Việc quảng bá trên các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp người dân trong nước biết đến lụa Nha Xá mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Và chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các câp các ngành, để chúng tôi được tiếp cận thêm với những phương thức bán hàng qua mạng, được học hỏi thêm.”

Ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến, xã Mộc Nam, TX. Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

“Sản phẩm của làng nghề cũng may mắn được quảng bá qua các đài báo, hội chợ và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, giúp việc giới thiệu làng nghề đến người tiêu dùng trở nên hiệu quả hơn so với trước đây. Hiện nay, có rất nhiều kênh tiếp cận khách hàng, bao gồm mạng xã hội và bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, để xuất khẩu trong chuỗi sản xuất, một số công ty sẽ chịu trách nhiệm quảng bá và ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài.”

Thương mại điện tử đã và đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các sản phẩm làng nghề truyền thống. Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm làng nghề qua thương mại điện tử, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, mỗi cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cần nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng và tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, chủ động cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để gia tăng tính đặc trưng, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị kinh tế./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.