Bệnh tay chân miệng đang gia tăng về số ca mắc. Bệnh được đánh giá là có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch rất cao, đặc biệt là trong những môi trường đông trẻ. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngành y tế và ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp chặt chẽ triển khai nhiều biện pháp phòng chống căn bệnh này.
Xác định trường học là môi trường dễ lây lan và bùng phát bệnh tay chân miệng nên công tác phòng chống luôn được các trường học trong tỉnh quan tâm và thực hiện chặt chẽ hơn. Từ khâu vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi của trẻ và giữ vệ sinh cá nhân luôn được các trường đặt lên hàng đầu, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát lây lan trong trường học.
Cô Trần Thị Ngọc Tuyết, Phó hiệu Trưởng trường mầm non Phú Đức, huyện Long Hồ
“Nhà trường chúng tôi tăng cường chỉ đạo giáo viên nhân viên phục vụ bán trú tăng cường rửa đồ dùng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng cloramin B, còn giáo viên tăng cường rèn kỹ năng cho trẻ rửa tay bằng sà phồng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn, tuyên truyền với phụ huynh thực hiện 3 sạch đồ dùng sạch, bàn tay sạch, ăn uồng sạch.”
Cử nhân Hộ sinh Phạm Hoàng Anh, Quyền Trưởng Trạm y tế xã Phú Đức, huyện Long Hồ
“Cung cấp hóa chất để giáo viên ở trường thực hiện vệ sinh đồ chơi đồ dùng hàng ngày của trẻ cũng như tuyên truyền bằng tờ rơi các buổi tuyên truyền để phụ huynh nắm vững về cách pc bệnh tay chân miệng.”
Không chỉ tập trung phòng bệnh tại các nơi tập trung đông trẻ mà công tác truyền thông phòng bệnh còn được ngành y tế chú trọng đến những gia đình có trẻ nhỏ. Nhân viên y tế đến tận nhà hướng dẫn người dân đường lây truyền bệnh, cách phòng chống và nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của trẻ trước căn bệnh này.
Bệnh tay chân miệng vẫn tập trung chủ yếu ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo với các biểu hiện sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và ở miệng. Hiện nay, bệnh không chỉ đang gia tăng về số ca mắc mà các trường hợp nặng có biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao và diễn biến cũng khó lường. Tính đến hết tháng 10, Vĩnh Long ghi nhận trên 1.340 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, 2 tháng 9 và 10 số ca mắc bệnh chiếm gần 50% tổng số ca bệnh trong 10 tháng.
BS CK1 Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa nhi, Trung tâm y tế Tp Vĩnh Long
“Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng nhiều, chúng tôi tiếp nhận nội trú ngoại trú đều tăng và bệnh nhập viện tăng rất nhiều. Chủ yếu là trẻ có biểu hiện hồng ban lòng bàn tay bàn chân loét miệng tuy nhiên có nhiều trẻ có biến chứng nặng hơn như sốt cao giật mình chới với có những trường hợp trẻ bị tay chân miệng dấu hiệu rất kính đáo chỉ loét miệng thôi do đó phụ huynh cần lưu ý thấy trẻ có dấu hiệu tay chân miệng đưa trẻ đến khám ngay để điều trị kịp thời”.
Virus tay chân miệng có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Đường lây truyền chính của bệnh tay chân miệng là qua đường tiêu hóa. Vì thế việc thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho trẻ sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe trẻ trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.