Xuân Tiến
Trải rộng trên diện tích hơn 46.400 hecta, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là 1 trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007.
Khu bảo tồn là nơi trú ngụ của loài cá mát quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Vài năm trở lại đây, trước nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, cộng đồng dân bản đã thực hiện hình khoanh nuôi bảo vệ, tái tạo môi trường, giúp loài cá Mát này “hồi sinh”.
Từ năm 2019, các cộng đồng dân bản xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông) triển khai mô hình bảo vệ loài cá Mát. Hàng tuần, các tổ dân bản thường xuyên độc lập hoặc phối hợp với lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra trên các con suối để ngăn cấm các hành vi khai thác trái nội quy, hương ước của bản đã lập nên. Nhờ đó, nguồn cá Mát đã sinh sôi trở lại, phát triển nhiều hơn.
Ông Kha Văn Trang - Bản Mét, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
“Thôn bản chúng tôi có 38 hộ, thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, nếu phát hiện đánh bắt thủy hải sản chúng tôi kịp thời báo cáo cho cơ quan chức năng, kiểm lâm rừng phòng hộ, chính quyền địa phương để vào cuộc để tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt các chủ trương.”
Ông Nguyễn Tống Phi - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
“Các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xuống, cùng bà con tuyên truyền và phát hiện sớm các hành vi vi phạm. Điều đó đã tăng lên ý thức, nhận thức của người.”
Đầu năm 2020, cộng đồng dân bản ở bản Xốp Kho (xã Nga My, huyện Tương Dương) cũng triển khai mô hình bảo vệ loài cá Mát trên địa bàn với quy ước nghiêm cấm khai thác thủy sản trên các con suối. Dân bản đã tháo dỡ các bờ đá đắp để đánh bắt cá tôm trên suối Nậm Ngân. Hơn 40km lưu vực suối từ thượng nguồn núi Pù Hiêng qua địa bàn xã Nga My cũng có rất nhiều những biển cấm được dựng lên.
Anh Vi Văn Hải - Bản Xốp Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An
“Bản chúng em bảo vệ khu thủy hải sản khoảng 3 ki lô mét. Công tác bảo vệ rất chi là tốt.”
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tương Dương có 15 xã với gần 50 bản triển khai mô hình bảo vệ loài cá Mát và nguồn lợi thủy sản. Có gần 70km chiều dài trên các dòng suối được thiết lập thành khu khoanh nuôi, bảo vệ. Không riêng huyện Tương Dương mà mô hình bảo vệ loài cá Mát và nguồn lợi thủy sản trên suối cũng triển khai tốt tại nhiều xã của các huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu...
Mô hình bảo vệ loài cá Mát và nguồn lợi thủy sản được thực hiện hiệu quả đã hạn chế số lượng người vào rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn; môi trường sinh thái được bảo vệ; giảm thiểu các mối đe dọa săn bắt, bẫy động vật hoang dã và những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học trong khu bảo tồn./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.