Biện Pháp để quản lý bệnh lem lép hạt và bảo vệ lúa một cách hiệu quả

13/09/2024 11:02

Lem lép hạt là bệnh hại phổ biến trên lúa trong tất cả các mùa vụ và trên mọi giống lúa được gieo trồng hiện nay. Diện tích lúa nhiễm bệnh lem lép hạt hiện nay là trên 7 ngàn ha, với tỷ lệ nhiễm từ 5-15%, phân bố tại các tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang và Trà Vinh. Bệnh do nhiều tác nhân gây ra, chủ yếu là do nấm và vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh còn do một số tác nhân khác như bệnh đạo ôn cổ bông, thối bẹ, khô vằn, nhện gié, bọ xít hôi… gây ra.

Để hạn chế tác hại của bệnh và bảo vệ lúa một cách hiệu quả, theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, bà con nông dân nên áp dụng các biện pháp sau.

  • Sử dụng giống sạch bệnh, không sạ quá dày để tạo độ thông thoáng trên đồng giúp hạn chế sâu bệnh hại phát triển.
  • Giai đoạn bón phân đón đòng, không nên bón thừa phân đạm.
  • Bón phân cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa, từ sau khi bón đòng đến trước khi trổ có thể bổ sung thêm các loại phân qua lá có chứa Calsi, Silic và các loại phân vi lượng khác để cây phát triển khoẻ, tăng sức chống chịu trước tác nhân gây bệnh.

Chú ý: Ở những ruộng gieo sạ dày, bón thừa phân đạm, ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá ở giai đoạn trước trổ, cần chủ động phun ngừa bệnh lem lép hạt 2 lần vào thời điểm lúa bắt đầu trổ lẹt xẹt (khoảng 5%) và phun lại lần 2 khi lúa đã trổ đều để bảo vệ năng suất, phẩm chất lúa khi thu hoạch.

Ngoài ra, bà con cũng nên lưu ý đến sâu bệnh hại khác trên đồng ruộng, đặc biệt là bệnh bạc lá vi khuẩn. Diện tích lúa nhiễm bệnh bạc lá hiện nay là 5.280 ha với tỷ lệ bệnh phổ biền từ 10-25%.

Bà con nông dân có thể xem bản tin “Thời Tiết Nông Vụ” lúc 19h05 hàng ngày trên kênh THVL1 hoặc xem trực tuyến trên thiết bị di động qua ứng dụng xem truyền hình trên Internet THVLi của Truyền hình Vĩnh Long.