Miền Tây đón “mùa lũ đẹp”

23/10/2024 05:01

Giáp Công - Trung Tuyến

Mùa lũ ở vùng ĐBSCL đang đạt đỉnh tháng 10. So với nhiều năm trở lại đây thì năm nay lũ về sớm hơn và mực nước cũng cao hơn. Lũ về đem theo nguồn lợi thủy sản giúp tăng sinh kế của người dân, đồng thời bồi đắp phù sa, giúp vệ sinh đồng ruộng, đem lại nhiều ích lợi cho môi trường sinh thái. 

Sau nhiều năm lũ nhỏ, có năm gần như mất lũ, năm nay người dân miền Tây đang vui mừng khi đón một “mùa lũ đẹp”. Ghi nhận của NĐT.

Những ngày tháng 10 này, nước mênh mông trên khắp các cánh đồng huyện đầu nguồn biên giới An Phú, tỉnh An Giang, nơi đầu tiên đón con nước từ dòng Mekong đổ về sông Hậu.

Năm nay lũ về sớm, gần giữa tháng 8, nước đã “nhảy khỏi bờ”, bắt đầu tràn lên những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong ở khu vực ngoài đê bao. Sau nhiều năm lũ thấp, năm nay bà con vùng đầu nguồn mới đón mùa lũ với mực nước cao. Tôm cá theo con nước về, người dân cũng tất bật với việc đánh bắt mùa nước nổi.

 Ông Nguyễn Văn Gàng - Xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang

“Năm nay nước lũ sớm hơn năm rồi 1 tháng.  Năm nay con cá linh có mạnh hơn, con cá chờ cũng mạnh hơn do nước năm nay nó lớn hơn năm rồi tầm 2 tấc.”

 Theo các chuyên gia, do tình hình mưa bão cộng với việc xả lũ các đập thủy điện ở thượng nguồn, nên mùa lũ năm nay mực nước ĐBSCL cao hơn những năm trước. Đây là điều đáng mừng cho ĐBSCL vì nhiều năm qua chỉ có lũ thấp hoặc trung bình, năm nay dù chưa bằng nhiều năm trước, nhưng cũng có thể xem là “mùa lũ đẹp”, sẽ có tác động rất tốt cho môi trường sinh thái và mang lại nguồn thủy sản cho bà con ngư dân.

 Ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang

“Qua cái quá trình lũ của năm 2024 cho thấy mùa lũ năm nay mặc dù mức nước tại Tân Châu chưa vượt báo động một nhưng mức nước cao, kéo dài đây được xem là một trong những mùa lũ đẹp trong năm 2024.”

 Đón mùa lũ 2024, các tỉnh, thành ĐBSCL đã sẵn sàng chuẩn bị từ sớm, từ xa các phương án ứng phó với lũ. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… đã chỉ đạo gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường, hệ thống cống, dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là đối với vùng nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái... Các địa phương, nhất là vùng đầu nguồn, cũng đẩy mạnh phát triển các mô hình sinh kế mùa lũ, dịch vụ du lịch, khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nuôi trồng và vệ sinh đồng ruộng.

 Ông Phạm Tấn Tháo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Phú, tỉnh An Giang

“Lũ năm nay tương đối ngập ngoài đê ngập không cao thì thuận lợi cho bà con vệ sinh đồng ruộng khai thác thủy sản. Và thực hiện một số mô hình chẳng hạn như dưỡng cua, dưỡng cá khai thác tự ngoài ra nông dân còn đặt lợp lờ, giăng lưới.”

Đến hẹn lại lên, người dân miền Tây lại trông chờ vào mùa lũ. Năm nay đón “mùa lũ đẹp”, cư dân miền Tây đang đầy hi vọng cho việc mưu sinh thuận lợi hơn, mang phù sa về bồi đắp cho ruộng đồng tươi tốt.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.